Đoá hoa vô ưu

Published by

on

Không biết cây vô ưu cao thấp to nhỏ thế nào, nên cành vô ưu cũng là trong tưởng tượng đối với tôi, xin quý vị tha lỗi cho một kẻ tò mò, ham hố nhưng đầy thiện chí.

Nhưng hoa vô ưu thì hình như tôi có vài lần thấy thấp thoáng trong tâm tưởng…

Đóa hoa ấy không rõ nét, lại càng không thấy màu sắc rõ ràng. Nó mơ hồ thoắt ẩn, thoắt hiện, trên trang giấy khói hương hay là ở một không gian nào huyền ảo khó nhận ra được nơi đâu trên thế gian này…

Tôi cứ bâng khuâng, rồi lại băn khoăn tự hỏi: Hay là mình hệ lụy quá nên không được hưởng phút giây thanh thoát cao vời, thưởng lãm hương vô ưu đang ngạt ngào tỏa khắp đó đây…

Nhưng phải năng đến chùa, có đến chùa không mà đòi thấy hoa vô ưu chứ?

Cũng đến nhưng không thường xuyên.

Hôm xưa về Già Lam, bạn đạo dắt tới một gốc cây thật to cạnh lối cổng vào bên tay phải, bảo rằng đó là cây bồ đề.

Mình nhìn kỹ cây bồ đề, tưởng tượng Phật tổ ngồi ngay ngắn, thẳng thớm dưới gốc cây, ở xứ Phật xa xôi…

Mình lén hỏi: Còn cây vô ưu chỗ nào, xin chỉ cho tôi biết với?

Người bạn đạo chợt nghĩ chắc tôi không phải Phật tử mới hỏi dớ dẩn thế, nhìn tôi từ đầu xuống chân ăn mặc tầm xoàng, hỏi sao tới chùa mà không mặc áo tràng, còn ngơ ngẩn thăm hỏi tào lao.

Làm gì có cây vô ưu? Đóa hay hoa vô ưu thôi chớ. sao hỏi lôi thôi vậy? May mà không gặp thầy, đóa hay hoa vô ưu luôn nở trên tay Phật. Hoa vô ưu từ lòng Phật, tâm Phật mà ra. Phải tu tâm, dưỡng tính, ngay lành, từ bi hỉ xả, v.v. nghĩa là phải tôn trọng, thanh tịnh ghê lắm mới thấy được hoa vô ưu ấy.

Thế thì… lâu quá, làm sao thấy được ngay…

Ô hay, nội cái tính nôn nóng của chị đã cho mọi người thấy và cả bản thân chị cũng thấy không có hoa vô ưu trong tâm hồn, trong tư tưởng chị rồi.

Thế phải làm sao?

Phải chấm dứt ngay sự việc nôn nóng, vội vã, tồn tại trăm thứ suy nghĩ trong đầu óc, mới… vô ưu được, phải không, thử nghĩ xem…

Bạn đạo cười:

Tự mình sẽ tìm thấy hoa vô ưu đó, xưa tôi cũng vậy, nhưng bây giờ thì đóa vô ưu đó luôn tươi tốt trong lòng tôi đấy.

Bạn đạo lẻn đi mất, còn mình tiếp tục hoang tưởng, giữ mãi cái trạng thái đó lênh đênh về nhà.

Vô ưu? Là không ưu tư, không suy nghĩ, không buông mình theo những tạp niệm vô cớ, vô tình mà xả bỏ hết, đạt tới tuyệt đỉnh của chữ : vô ưu.

Chắc cũng… khó lắm, nhưng phải kiên trì, phải nhìn tấm đại gương, coi mức chiếu sáng tới đâu để phẩm chất tiến tới, không quá lố, vì tính chất vô ưu trước nhất phải tự nhiên.

Anh mỉm cười lửng lơ, một chút khôi hài, vì anh biết mình đã từng nhận một vài công tác với đám đông, trong sinh hoạt xả bỏ, nhưng phải hỉ xả, nghĩa là cho đi, vứt đi một cách vui vẻ, chớ đừng chấp nhận như bắt buộc.

Nhưng chính mình cũng thoáng chút nghi ngờ sự cố gắng làm việc thiện lại không phải cho đối tượng tha nhân cần thiết mà là cho bản thân người muốn đi ban phát.

Tôi có thể chứng minh với quý vị một nhà thơ nữ bậc chị của tôi về tuổi tác đã bất bình câu nói trung thực mà tôi không cảm thấy hối hận rằng: Từ bi chỉ có ở trong chùa.

Tại sao tôi lại nhận định vậy? Vì quả thực tôi đã chứng kiến nỗi giận, hay phải nói là cuộc giận của bà chị nêu trên.

Bà đã gạt phứt những lý luận của mọi người đóng góp về danh xưng và danh nghĩa từ bi hỉ xả, cứ cho là mình đúng vì mình, là họ không phải tôi, đã ở chùa suốt thời gian 24/24 giờ, 7/7 ngày một tuần chỉ vì muốn xả hết, nhưng cứ gây cho người khác ấn tượng sân khiếp đảm của bậc… chân tu.

Thành ra áo không mặc qua khỏi đầu là đúng. Các cụ cố dân tộc ta ít có dịp đánh giá sai con người: Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.

Bây giờ đã nhiều nhân vật tiếng tăm một thời qua đời rồi, nhưng quả ngựa chết để da, người chết để tiếng, tôi có thời quen thân với quý phu nhân của các thi sĩ nổi tiếng như nữ sĩ Đinh Thị Thục Oanh hiền thê của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, rồi phu nhân của thi sĩ Đinh Hùng.

Quý bà nêu trên thực sự từ bi hỉ xả đến nỗi hàng chục (tôi không dám nói hàng trăm) giai thoại tình trường của nhị vị thi gia lớn mà có gây điều tiếng gì trong gia đình quý vị đó đâu, không phải quý phu nhân từ bi hỉ xả à?

Nhưng có một nghĩa cử cao đẹp mà chúng ta cũng nên biết về tấm lòng từ cùng với nghĩa xả của người nghệ sĩ diễn ngâm hàng đầu của Tao Đàn, tiếng nói thơ văn miền Nam tự do, nghệ sĩ Hồ Điệp.

Một lần chị rủ tôi đến cuối đường Trương Tấn Bửu (Phú Nhuận) nối dài để thăm xã giao cụ thi sĩ Đường luật Như Ý.

Tôi thấy chị Hồ Điệp ôm khư khư một gói giấy báo trước ngực. Tôi hỏi chị mang gì vậy? Chị bảo: Đó là mấy cái áo tuy cũ nhưng bà hai cụ thi sĩ Như Ý thích lắm, chị đem biếu bà ấy.

Sau 30 – 4 – 1975, Sài Gòn một thời xa hoa, sang giàu nay nhà nào cũng kiệt quệ vì chủ nghĩa vô sản, hai con trai nữ nghệ sĩ Hồ Điệp over sea tới Mỹ chưa có tin tức, chị vẫn chia cho bạn gái niềm vui mặc dầu thiếu thốn.

Chị kể thi sĩ tài tử Như Ý đã phải làm thơ vì hoàn cảnh hai bà của cụ:

Bà lớn cóc cóc, coong coong (gõ chuông niệm Phật)
Bà bé lịch kịch chùi xoong dưới nhà (rửa chén, nồi niêu…)

Tất nhiên chị tặng bà bé của cụ thi sĩ nêu trên.

Tôi chẳng có ý tán rộng danh tính vô ưu qua sự việc tầm thường nhất. Song để đạt tới tiến trình vô ưu đôi khi dễ mà khó, hay ngược lại.

Cái tâm là chính, nếu vô tâm, vô tính, vô lý, vô lễ, v.v. thì cũng gian nan mới tới được bờ giác. Phải ở bờ giác mới đạt được hai chữ vô ưu.

Đồng thời theo thiển ý của tôi, có mon men tới được bờ giác cũng mệt nghỉ…

Thế nên, với tôi thôi, tràn đầy say đắm, mê si để làm thơ thì chắc chẳng thấy được đóa vô ưu nở hoa trên tay đức Phật, đấng chủ thuyết từ bi hỉ xả cho đời bớt chuyện khổ tâm, xây dựng hành trình vô ưu để tự cứu mình ra khỏi bản ngã phức tạp, mê lầm suốt kiếp…

CAO MỴ NHÂN

Bình luận về bài viết này