Về Sacto

Published by

on

Buổi tối nhìn những quả đồi hai bên đường rừng sợ lắm.

Anh nói rừng đâu mà rừng, xe chạy trên freeway từ San Jose lên Sacramento như chương trình Cao Mỵ Nhân đi trốn nỗi buồn, chớ rừng núi nào ở những city đầy ánh sáng đó.

Thì đúng rồi. Có rừng núi nào đâu. Chẳng qua là câu thơ của thi sĩ – tu sĩ Thích Tuệ Sỹ vương trên hoa cỏ đường trường:

Trong ta là núi, là rừng
Là muôn câu hát đã dừng trên môi…

(Thích Tuệ Sỹ)

Rứa đêm thứ hai về Sacto nghỉ lại hả?

Thì có sai chương trình mô. Ở ẩn am không được đãi ngộ, phải tìm về đại chúng chớ.

Tới nhà con gái My Chi, cô nàng vừa đi học vừa đi làm vừa đi… chợ hằng ngày giao cho bà khách mẹ một cái phòng trong chung cư. Theo như cô nàng kể thì cứ mỗi mười một giờ khuya là nghe một tiếng khóc rất xa xôi vọng về…

Dù có tinh thần thích tìm hiểu thế giới ảo như anh hay muốn làm văn chương trinh thám như nhà văn Hồ Linh bạn mình thì mình cũng sợ bạc cả mặt.

Tôi hỏi có ai cũng nghe như thế chưa? Nàng My Chi trả lời: Không, chỉ có một mình con nghe thấy thế thôi…

Chưa kịp để cái ba lô đựng quần áo chỗ nào, tôi hé mắt nhìn đồng hồ treo tường: đã 10:45 PM.

Tôi nói: Hay là má ngủ phòng khách, hoặc Mi Mi ngủ chung với má.

Nghĩ vậy, nhưng vẫn là chuyện trẻ con.

Trong chung cư cứ ba dãy nhà lại xếp vào nhau thành một chữ U. Lòng chữ U để xe của các nhà vừa nêu. Bốn cây cột đèn mở sáng trưng.

Nhưng tôi cứ cảm thấy không yên tâm gì cả. Tôi thầm trách mình sao dại thế, đi chơi làm gì cho khổ chứ.

Chung quy cũng chỉ tại anh thôi. Nếu anh không “cấm vận” Iphone thì mình ở nhà dưới Los Angeles rồi. Làm chi có tiếng cười tiếng khóc nhảm nhí nơi này, thật cơ khổ…

Mình giận quá hỏi gặng Mi Mi ta:

Mấy lần nghe như thế là Mi ở trong phòng đó hay phòng khác, hoặc ở bất cứ nơi nào trong nhà?

Mi Mi ta úp mở: Con nằm phòng bên này này, rồi nghe từ cái phòng đó phát ra tiếng khóc.

Tôi lại nhìn đồng hồ treo tường, lại phách lạc hồn xiêu, rồi ngập ngừng:

Hay…

Thôi má sang phòng bên, ngủ chung với con vậy, có chi hai mẹ con cùng ù té chạy…, Mi nói.

Tôi tức quá la con gái:

Chạy đi đâu, ở thế mà cũng ở được à, thôi mai “tau” về sớm…

Con bé cười ngặt nghẽo:

Má nói mới hay, mai về sớm thì cũng phải qua đêm nay ở đây đã, trừ phi rời khỏi đây trước mười một giờ đêm.

Kim đồng hồ trên tường chỉ đúng mười một giờ.

…chẳng nghe thấy gì trong phòng Mi Mi nói, tôi ngó con bé, nó như vừa buồn cười, vừa như sợ hãi.

Tới lượt Mi Mi thấy tôi lúng túng cầm chặt tay nó, con bé cười phá lên: Má sợ ma hả?

Tôi quát lớn: Không.

Nó đẩy tôi vào cái phòng khốn nạn đó, nói gọn: Thôi bà ơi, ngủ ngon nhé…

Mi Mi đưa hành lý của tôi vô căn phòng mà nó đã kể có giọng ma quái mười một giờ đêm. Trời khuya quá rồi…

Vợ chồng con cái My Chi được hai đứa em trai bảo lãnh qua đây bảy năm, nay đã tạm ổn định: hai vợ chồng và hai con trai, gái đều đi học đi làm.

Tạm thời phải ở chung cư này để… tái định cư nơi quê hương mới văn minh giàu sang hơn cái thành phố hòn ngọc viễn đông mà bạo quyền Cộng Sản đổi là “thành Hồ” ngu muội, lạc hậu, mất vệ sinh liên tục sau khi đã phá hại di sản của hai triều Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hoà miền Nam Việt Nam.

Tôi phải đóng cửa lại để tâm sự với anh qua Ipad.

Hôm nay là ngày thứ hai, tôi phiêu lưu vì tò mò coi thử sức khỏe mình đang ở mức độ nào, có còn phơi phới tiến lên để hờn anh, hờn nhân vật thơ đã xây dựng cho mình bao nhiêu là cảm xúc trẻ trung, trong sáng như… pha lê, mình hay nói rứa đó.

Nhưng qua gương mặt và giọng nói của Mi Mi, tôi cảm nhận được nỗi âu lo điều gì xa xăm lắm… Tôi hỏi con gái: Gia đình con không định đổi chỗ ở à?

Cũng định chứ má. Ở thủ phủ này có một cung cách sống lãnh đạm lắm. Đất còn khá rộng. Đã bao nhiêu chung cư rồi còn tiếp tục xây chung cư nữa, do đó cuộc sống có vẻ rẻ và kín đáo từng mảng xã giao.

Là thế nào, má chả hiểu gì cả…

Thí dụ “dân tộc ta” tới đây như để quên đi nỗi niềm gì đó, có quý vị ở đây đã bốn mươi năm hay hơn, từ thủa lập quốc tị nạn, lại có rất đông quý vị từ khắp các tiểu bang Mỹ, kể cả quốc gia khác tới, và nhất là Việt Nam mới qua nữa…

Con gái tôi ở Sài Gòn chỉ là một cô giáo cấp hai thôi. Nay bắt đầu lại cũng từ trên cơ sở sẵn có, nghĩa là phải lo đi học lại.

Nó nói có nhiều sinh hoạt mới mẻ lắm, có vẻ chịu đựng giữ gìn mỗi hoàn cảnh riêng biệt đến… nín thở luôn, hay tại con tôi tưởng tượng thế.

Thành phần văn nghệ sĩ thì quả là những tên tuổi làm nên lịch sử tị nạn như: nhà văn H.O. Hà Thúc Sinh với Đại học máu này, nhà văn gốc trung tá nhảy dù của anh là văn thi sĩ Hoàng Ngọc Liên với nhiều tác phẩm, nhưng Viên đạn cuối cùng đã tạm thời để ông quy ẩn vì lão lai, nhà văn – ký giả Tô Ngọc một thời múa bút ở Sài Gòn xưa, nhà văn quân đội Trần Văn nguyên thiếu tá Việt Nam Cộng Hoà (VNCH), v.v..

Trần Văn có công giải cái oan tày trời cho vị tướng VNCH Đặng Văn Quang đã bị vô hiệu hoá tình cảm huynh đệ chi binh mấy chục năm qua. Tướng Quang cũng đã về Sacto để một thời ngậm ngùi, một thời chết trong thương mến xót xa của anh em lính Quân lực VNCH.

Đám tang tướng Quang được ấm áp, vang âm những phát đại bác Mỹ cho đỡ tủi kiếp lưu vong là nhờ ân nghĩa huynh đệ chi binh của cựu thiếu tá Trần Văn Ngà, trưởng phòng Chính huấn Biệt khu thủ đô trước lúc tan hàng 1975.

Ở Sacto có hai nhân vật rất… cô đơn trong cái nghĩa ồn ào tập thể.

Một là nhà văn Nhật Thịnh, nguyên quản thủ Thư viện Quốc gia VNCH. Tất nhiên ông là người đọc nhiều nhất các sách Đông Tây kim cổ. Bây giờ ông giải sầu chữ nghĩa trong khuôn khổ tờ váo văn nghệ Đất đứng và còn là chủ tịch Hội văn nghệ sĩ Việt Mỹ sáng chói một phương.

Nhà võ có cái tên như một kiếm khách, đại tá Tư Vấn VNCH. Chắc nhiều quý vị trong quân ngũ biết ông. Tôi có vài lần ra mắt sách trên thủ phủ, thấy ông mang dáng dấp của một Kinh Kha lạc lõng, trầm tư với nỗi buồn hậu chiến.

Kể ra thì nhiều, nhưng đôi mắt của tôi bị hạn chế bởi nước mắt lúc nào cũng nhớ về anh, người vẽ cho tôi một cung đình mộng mị, rực rỡ trong cõi ảo, làm nhạt nhòa, khiến tôi phải lang thang mấy ngày cho đỡ muộn sầu. Sao tôi nhiệt tình thế mà cứ bị dửng dưng như người Hà Nội lúc này, chả ai buồn ngó nữa.

Lan man nghĩ tới đây, tôi thiếp đi vào mộng mị như đang đứng trước dòng sông dĩ vãng ở Huế xưa, ngó theo một cánh dù bay trong bát ngát tình thơ.

Tôi thức dậy thanh thản, nào có nghe tiếng khóc mơ hồ mỗi mười một giờ đêm nơi cái chung cư nghèo nàn nơi con gái tôi đang cố gắng vươn lên làm lại tất cả ở thủ phủ Sacto lạnh lùng, bí ẩn.

Sacto có một thành phố cổ, đồng thời có một Nhà Trắng bé nhỏ xinh xinh vọng về Nhà Trắng mỹ lệ, kiêu sa, huy hoàng của đất nước Hoa Kỳ, với hàng ngàn sắc tộc tìm đến ở như thấy được bóng dáng thiên đường nơi trần thế hôm nay.

CAO MỴ NHÂN

Bình luận về bài viết này